Bảo quản thủy sản sau thu hoạch bằng công nghệ mới: đã có tín hiệu vui

Lâu nay, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh bảo quản thủy sản bằng phương pháp muối đá trong hầm gỗ nên chất lượng nguyên liệu phục vụ cho chế biến không cao. Gần đây, một số chủ tàu đã thay thế hầm gỗ bằng hầm Inox nên chất lượng nguyên liệu thủy sản đã được cải thiện một bước.

Mới đây nhất, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã chuyển giao công nghệ bảo quản thủy sản bằng bột Ion Calci hiệu Umikai cho bà con ngư dân, bước đầu đã có kết quả đáng phấn khởi.

Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có hơn 4.900 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có 2.132 tàu đánh bắt xa bờ, tập trung nhiều ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và TP. Vũng Tàu. Mặc dù là đội tàu khai thác chủ lực của tỉnh, nhưng với kỹ thuật bảo quản sản phẩm như lâu nay, tỷ lệ hải sản đạt chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu đạt thấp. 6 tháng đầu năm nay, đội tàu của tỉnh đã đánh bắt được 97.000 tấn hải sản các loại, trong đó, lượng nguyên liệu phục vụ cho chế biến còn thấp, khoảng 35% tổng sản lượng đánh bắt được. Đây là vấn đề bức xúc mà các nhà quản lý đang tìm cách tháo gỡ.

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu được đóng bằng gỗ, có công suất từ 90-760 CV. Mỗi tàu được thiết kế 1 hoặc 2 hầm bảo quản hải sản bằng gỗ dày khoảng 7 cm, có trải 3 lớp ni lông chống thấm, mút dẻo và xốp cách nhiệt xen kẽ với nhau. Tàu thường hoạt động dài ngày trên biển, thông thường mỗi chuyến kéo dài từ 50-60 ngày. Để bảo quản sản phẩm tốt hơn, vài năm trở lại đây, bà con ngư dân ở Phước Tỉnh đã ra khơi đánh bắt hải sản theo từng nhóm tàu, các tàu này khi đánh bắt được hải sản sẽ dồn sản phẩm lại cho một vài tàu mang vào bờ, còn các tàu khác vẫn ở lại tiếp tục khai thác.

Một số tàu ở Phước Tỉnh và TP. Vũng Tàu đã thay lớp chống thấm trong hầm bảo quản hải sản bằng giấy dầu và thêm lớp I nox bọc xung quanh hầm để tăng khả năng chống thấm, bảo đảm vệ sinh và giữ độ lạnh được lâu hơn. Một số ngư dân còn dùng khay nhựa có nắp đựng cá, sau khi lọc sạch, hải sản được ngâm vào thùng làm lạnh sơ bộ có chứa nước biển và đá ở độ lạnh khoảng 0-0,5 độ C, từ 15-20 phút, sau đó, vớt ra để ráo nước rồi cho vào hầm bảo quản. Thực hiện theo mô hình bảo quản sản phẩm trên có thể khắc phục được tình trạng hao hụt, nâng cao chất lượng nguyên liệu cho chế biến hải sản. Tuy nhiên phải tốn chi phí và công sức nhiều hơn nên bà con ngư dân chưa áp dụng rộng rãi.

Từ tháng 3 đến nay, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã chuyển giao công nghệ bảo quản hải sản sau thu hoạch bằng bột Ion Calci hiệu Umikai cho một số tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh. Loại bột này có tính năng diệt khuẩn cao, có tác dụng ức chế sự phát triển vi sinh vật trên nguyên liệu hải sản, làm cho thủy hải sản giữ được mùi, vị tốt hơn so với hải sản không sử dụng Umikai. Và Umikai đã được Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) xác nhận là chất bảo quản được phép sử dụng. Hiện nay, một số tàu nhỏ BV 5413 TS của ông Nguyễn Tô, BV 0467 TS của ông Phạm Tính ở Phước Tỉnh, BV 9289 TS và BV 9288 TS của ông Lê Văn Nhung, BV 9205 TS của ông Cao Văn Rớt ở TP. Vũng Tàu đã dùng bột Umikai bảo quản hải sản và đạt kết quả khả quan. Theo các chủ tàu này cho biết, mực khô được bảo quản bằng Umikai giá bán tăng từ 8.000-10.000 đồng/kg so với không được bảo quản bằng Umikai. Riêng nguyên liệu tươi, luôn giữ màu sắc như ban đầu, không chảy nước và phân hủy trong vòng 22-25 ngày.

Đổi mới công nghệ bảo quản thủy sản sau thu hoạch là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp chế biến hải sản, và cả sự mạnh dạn bứt phá của chính các chủ tàu.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bạn có biết !!!

Bạn có biết - Tâm An Khỏe Mạnh